Khỏe mạnh hơn nhờ đi làm từ thiện

Giống nhiều người, ở thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch, Alex Wong Tat-hang gặp trục trặc với sức khỏe tâm thần.

Chàng kỹ sư IT 24 tuổi ở Hồng Kông bị rối loạn lưỡng cực, luôn lo lắng và căng thẳng, đặc biệt vào ban đêm. Lệnh phong tỏa và hạn chế tiếp xúc khiến Alex cô đơn và vô định. Nhưng anh giấu kín vấn đề của mình với bạn bè và người thân. ”Tôi ngồi trong phòng ban ngày và thức suốt đêm vì không muốn ai nhìn thấy mình trong lúc tồi tệ nhất”, chàng trai cho biết.

Chính trong những ngày đó, khoảng hơn một năm trước, Wong quyết định đăng ký làm tình nguyện viên tại ImpactHK, một tổ chức từ thiện chuyên giúp người vô gia cư.

Wong tham gia “chuyến đi bộ nhân ái” của nhóm, đi qua Tsim Sha Tsui để phát đồ ăn, khẩu trang và những vật dụng cần thiết khác cho người vô gia cư trong khu vực. Hiện tại, anh tình nguyện dẫn đầu những chuyến đi bộ này một hoặc hai lần một tuần.

Từ khi bắt đầu hoạt động tình nguyện, sức khỏe tinh thần và cảm xúc của Wong được cải thiện. Anh trân trọng cuộc sống hơn. “Tôi thấy biết ơn vì tất cả những gì mình có. Nhiều người vô gia cư chẳng có gì cả nhưng họ hài lòng với bản thân. Họ giúp tôi hiểu rằng tôi cũng có thể có hạnh phúc, ngay cả khi mọi thứ không theo ý mình”, anh nói.

Alex dẫn đầu đoàn từ thiện chuyến đi bộ nhân ái. Ảnh: Edmond So

Sự thay đổi về sức khỏe tinh thần của Alex đã được khoa học chứng minh. Một nghiên cứu của ĐH bang Ohio, Mỹ cho thấy, sẵn sàng hỗ trợ người khác khi họ cần cũng quan trọng như chính mình được giúp đỡ.

Theo một trong những nhà nghiên cứu, PGS Baldwin Way, sức mạnh hàn gắn của những mối quan hệ xã hội tích cực có tác dụng hai chiều. “Có thể suy nghĩ mình giúp đỡ được cho gia đình bạn bè sẽ làm giảm căng thẳng, từ đó giúp giảm viêm”, ông nhận định.

Tác giả chính của nghiên cứu, Tao Jiang cho biết, dù nghiên cứu chỉ xem xét những gì người được khảo sát nói đã làm những gì, chứ không phải hành động, nhưng nó giúp thể hiện rõ nét mối liên hệ giữa sức khỏe và các mối quan hệ.

Tiến sĩ Adrian Low, một nhà tâm lý học tại Hong Kong cho rằng, việc giúp đỡ và nhường nhịn người khác có thể làm giảm căng thẳng, dẫn đến hạnh phúc lâu dài về cảm xúc và tăng sự hài lòng trong cuộc sống.

Những người tình nguyện cũng tăng cường hoạt động ở hạch hạnh nhân, phần não đóng vai trò quan trọng trong điều hòa cảm xúc. Người tình nguyện điều chỉnh cảm xúc tốt hơn. Đó là chìa khóa cải thiện sức khỏe.

“Khi chúng tôi thấy mọi người giúp đỡ lẫn nhau, điều đó truyền cảm hứng cho chúng tôi làm điều tương tự. Đây được gọi là lòng vị tha qua lại. Nó mang đến ý nghĩa cho cuộc sống bởi nhắc chúng ta rằng mình không đơn độc”, Low nói.

Các nghiên cứu phát hiện ra rằng hành động vị tha cũng thúc đẩy thể chất khỏe mạnh. Đặc biệt, những hành động tử tế tự phát mang lại nhiều hạnh phúc hơn những hành động được sắp đặt trước.

Dù hoạt động tình nguyện có thể giúp cải thiện sức khỏe của chúng ta, nhưng không phải điều những người khó khăn về sức khỏe tinh thần dễ thực hiện. Công việc đôi khi gây quá tải. Trong trường hợp này, Low khuyên nên từ từ nới lỏng.

Bạn cũng có thể thực hiện những hành động tử tế ngẫu nhiên như nấu một bữa ăn cho một người bạn, giúp người hàng xóm lớn tuổi làm việc nhà hoặc trả tiền cà phê cho người lạ…

Điều quan trọng là tâm trí bạn luôn đặt lòng tốt lên hàng đầu. Hãy nghĩ về những hành động vị tha bạn đã thực hiện, cách giúp ai đó và cách bạn có thể lặp lại chúng trong tương lai.

“Hãy cân nhắc thực hiện một hành động tử tế mỗi ngày và dành chút thời gian để suy ngẫm về nó”, chuyên gia gợi ý.

Alex Wong cho biết, hiện tại, anh đang ở trong một không gian cảm xúc tốt hơn và dần giảm phụ thuộc vào thuốc, dù vẫn đi khám bác sĩ tâm lý thường xuyên. Anh không còn bị mất ngủ, mệt mỏi hay căng thẳng như trước.

“Giúp đỡ những người bạn vô gia cư đã mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của tôi. Quan trọng hơn, nó khiến tôi nhận ra rằng cuộc sống có thể tốt đẹp như thế nào và tôi xứng đáng được hạnh phúc”, anh nói.

Loan tin ngay
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận