
Lương tháng thứ 13 là một khoản tiền không nhỏ mà cũng chẳng lớn, nhưng có thể lay động tới cuộc sống của bao người làm công ăn lương. Đồng lương này quyết định tâm lý đi làm và kế hoạch công việc của bạn. Không những vậy, khi kỳ nghỉ cuối năm sắp đến, với Tết Dương lịch và Âm lịch chỉ cách nhau vài ô vuông trên lịch để bàn, tiền thưởng Tết còn khiến chúng ta chóng mặt với các kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm sao cho không “thủng ví”.
Ngay dưới đây, chúng ta hãy cùng phân tích cặn kẽ nguồn gốc của đồng lương tháng 13 và so sánh chính sách tiền thưởng giữa Việt Nam và các quốc gia. Chúng ta cũng sẽ giải thích và bình luận về cách các thế hệ khác nhau ở Việt Nam sử dụng đồng tiền này và cung cấp các tips chi tiêu hiệu quả với đồng lương thưởng trong dịp lễ tết sắp tới. Ta sẽ cùng nhau bước chân vào thế giới tâm lý và xã hội của người làm công ăn lương, để hiểu lương tháng 13 có những “sức mạnh” gì nhé.
Gọi là “lương” nhưng không là “lương”?
“Lương” tháng 13 thực ra là một cái tên dân dã. Về bản chất, đây là một khoản thưởng cho người lao động vào các dịp lễ (thường là cuối năm). Khoản thưởng này vừa để động viên nhân viên, vừa giúp họ trang trải những chi phí cho một kỳ nghỉ lễ.
Cách gọi lương tháng 13 khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng đây là một khoản chi bắt buộc của các công ty, và người làm động nghiễm nhiên được hưởng nó vào dịp cuối năm. Trên thực tế, không phải quốc gia nào cũng có quy chế áp đặt về khoản thưởng này.
Trong khi một số nước có quy định rõ về lương tháng 13 trong luật pháp, thì ở nhiều nơi việc trao thưởng phụ thuộc vào tập quán và văn hóa doanh nghiệp. Tại Việt Nam, đây là một khoản thưởng không bắt buộc.
Doanh nghiệp hoạt động trong nước hoàn toàn có thể từ chối trả lương tháng 13. Thế nhưng ít có doanh nghiệp nào làm vậy, vừa bởi văn hóa đi làm ở Việt Nam, vừa bởi lương tháng 13 là một sự đãi ngộ tốt để giữ chân và thu hút thêm người lao động về đơn vị của mình, đặc biệt là trong những dịp Tết.
Quy định về lương tháng 13 tại các châu lục
Nhiều nước trên thế giới như Pháp, Nhật, Áo, Bỉ, Trung Quốc,… cũng có quy định và tập tục tương tự như Việt Nam về khoản thưởng này. Ở một số quốc gia khác thì việc trả lương tháng 13 là bắt buộc và có quy định rõ ràng trong hệ thống luật pháp. Cụ thể, tại châu Âu, có bốn quốc gia là Hy Lạp, Tây Ban Nha, Armenia, và Bồ Đào Nha bắt buộc thưởng tháng 13. Con số cũng là bốn tại châu Á với Ấn Độ, Indonesia, Philippines, và Ả-rập Saudi.
Trong khi đó, thưởng cuối năm là chuyện đương nhiên tại hầu như tất cả các quốc gia tại châu Mỹ, ngoại trừ Hoa Kỳ, Canada, và Chile. Điều này có lẽ là hệ quả của sự ảnh hưởng về văn hóa, chính sách và chính trị từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong thời kỳ thuộc địa. Trái ngược với châu Mỹ, chỉ có 3 trong số 54 nước châu Phi yêu cầu doanh nghiệp trả lương tháng 13 cho nhân viên, đó là Angola, Nigeria, và Nam Phi.
Ví dụ, tại Hy Lạp, chỉ những doanh nghiệp trong khu vực tư nhân mới phải bắt buộc trả lương tháng 13. Hay tại Philippines, trong quá khứ, lương tháng 13 từng không áp dụng cho các cơ quan nhà nước, và chỉ những người lao động có thu nhập dưới một con số nhất định mới đủ tiêu chuẩn nhận thưởng.

Lương tháng 13 có những “sức mạnh” gì?
Đối với người lao động, lương tháng 13 không chỉ là giá trị vật chất mà trong đó còn chứa đựng những yếu tố tinh thần, là nguồn động lực để mỗi người phấn đấu hơn với mong muốn có được tiền thưởng nhiều hơn.
Một năm làm việc người lao động chỉ trông chờ vào tiền thưởng tết. Vào thời điểm cuối năm ngoài việc nhận lương, người lao động luôn trông chờ vào tiền thưởng của công ty. Bởi vì, đây là lúc người lao động cần mua sắm và chi tiêu rất nhiều so với ngày thường. Có người còn phải tốn chi phí về quê, quà tết, tiền lì xì cho bố mẹ 2 bên… Nếu không có tiền thưởng thì coi như không có tết với nhiều người.

Không chỉ có vậy, lương tháng 13 còn là động lực để người lao động phấn đấu, luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ để có được thành tích tốt và nhận thưởng thích đáng vào cuối năm.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về “lương tháng 13”? Hãy để lại ý kiến dưới dòng bình luận nhé!