Hành vi mang lại cho kinh doanh tính Nhân Văn

Doanh nghiệp có trách nhiệm chăm sóc đời sống tinh thần doanh nghiệp, tinh thần cấp trên và cấp dưới, giữa những người cùng cấp và chăm sóc lẫn nhau. Áp lực kinh doanh rất lớn nên “massage” tinh thần là cần thiết. Tinh thần của sếp hay nhân viên đều cần phải chăm sóc. Thương vụ thành công không có mặt tinh thần èo uột hay nghèo nàn. Tinh thần khỏe mạnh, kinh doanh mới nổi. Tinh thần nhân viên được chăm sóc thì cũng khỏe mạnh và tươi tắn, làm việc hăng say và đầy khí thế.

Chăm sóc đời sống tinh thần không chỉ là lời động viên, họp mặt, trò chuyện, đi dã ngoại hay quan tâm lẫn nhau, mà còn thể hiện ở sự tôn trọng nhân viên, tôn trọng ý kiến và tôn trọng đời sống riêng tư của họ. Nói chung mọi người tôn trọng nhau, cho nhau thời gian và không gian, thời gian để chia sẻ và không gian để thở.

Tôn trọng văn hóa mang lại lợi ích và gắn bó kinh doanh cho doanh nghiệp. Muốn làm kinh doanh phải hiểu về văn hóa, văn hóa dân tộc của bản thân là một chuyện nhưng văn hóa bản địa lại quan trọng hơn. Không thể áp đặt văn hóa của quốc gia này cho quốc gia khác hay địa phương này cho địa phương khác. Mỗi địa phương có bản sắc văn hóa riêng và sản phẩm hay phong cách kinh doanh phải phù hợp với bản sắc đó. Doanh nhân am tường văn hóa dễ thâm nhập thị trường bản địa vì hiểu được người nên xây dựng quan hệ với người dễ dàng. Phương thức quảng cáo, dự án kinh doanh, sản phẩm tiêu thụ cần phù hợp với văn hóa địa phương, không nhất thiết phải hoàn toàn nhưng về cơ bản là phù hợp. 

Kinh doanh không hợp văn hóa sẽ tạo xung đột và muốn làm lại cũng khó lòng, cho nên ngay từ đầu, doanh nhân cần tìm hiểu văn hóa kỹ càng trước khi ra quyết định thâm nhập thị trường hay tuyển dụng nhân sự. Như đạo Phật mang tính chất Đông phương nếu đem truyền bá ở Tây phương phải phù hợp với văn hóa của người Tây phương, nghĩa là phải có sự thay đổi, không thể rập khuôn như đã thực hiện ở phương Đông. Nhận thức về văn hóa địa phương làm dồi dào sản phẩm doanh nghiệp và gia tăng thị phần. Sản phẩm đang có chưa chắn bán được ở địa phương nếu không thay đổi cho phù hợp khẩu vị. Chào bán cà ri ở Việt Nam chắc chắn không thành công bằng ở Ấn Độ, nhưng Nokia bán điện thoại di động ở Việt Nam chắc chắn thành công hơn ở Nhật Bản. Mời người Việt ăn mắm dễ hơn mời người Mỹ, nhưng người Mỹ muốn bán được hàng ở Việt Nam, phải biết ăn mắm Việt Nam. Thị phần từ trước đến giờ phân chia theo giới tính, tuổi tác hay thị hiếu, bây giờ nên phân chia theo văn hóa nữa. Văn hóa đa dạng giúp đa dạng thị phần. Văn hóa có giá trị nhờ vào tính đa dạng của nó, nếu đồng nhất thì đâu cần phải đi du lịch hay nghiên cứu. Thấy được văn hóa của người khác thì đánh vào tâm lý hay tiềm năng tiêu dùng dễ dàng. Tuy nhiên thay đổi phương thức kinh doanh phù hợp với văn hóa địa phương chỉ mới một chiều, doanh nhân cũng nên nghĩ đến truyền bá văn hóa. Kinh doanh vừa mang yếu tố của văn hóa địa phương để tỏ ra thân thiện nhưng cũng chuyên chở yếu tố văn hóa của chính doanh nghiệp xuất xứ để tỏ ra mới mẻ. Chất văn hóa này mang tính kết hợp, sẻ chia và học hỏi lẫn nhau, cái gì dập khuôn sẽ nhàm chán, hiện đại nhưng tôn trọng truyền thống được chấp nhận hơn. Văn hóa mang tính tự hào dân tộc nên cần được tôn trọng và muốn hiểu văn hóa người khác thì phải hòa đồng, cùng sống chung, sống chung không có nghĩa là ở chung nhà, mà sống trong cộng đồng đó, làm những gì cộng động làm, ăn những gì cộng đồng ăn, suy nghĩ theo cách cộng đồng suy nghĩ. Hình thức du lịch “home stay” khá hay vì người du lịch có cơ hội sống chung với người địa phương, nếm hương vị thực sự của văn hóa thì mới biết văn hóa ra sao. Như một phóng viên muốn viết về thiền hay đời sống của tu sĩ, người đó phải tập thiền và phải sống như một tu sĩ trong khoảng thời gian nhất định thì viết bài mới chính xác.

Kinh doanh mang tính nhân văn trong đó lấy văn hóa và con người làm nền tảng. Đây không là triết lý mà là thực tế, thực tế chứng minh kiểu kinh doanh này bền vững và có tính cộng đồng. Kinh doanh văn minh lấy tính nhân văn làm chỗ dựa, đưa vào tiêu chí đánh giá văn hóa doanh nghiệp và làm câu nói đầu môi. Có nhân văn mới có phát triển, có đạo đức và các mối liên kết được khai thông. Mọi hành vi kinh doanh đều phục vụ nhu cầu con nguời, nên con người là yếu tố quyết định, có lợi ích cho con người thì làm, không có không làm, nhưng lợi ích đó phải chính đáng, không phải thứ lợi ích buông trôi. Tính nhân văn phải xây dựng và thực tập mới có, dù văn hóa giữa các vùng miền khác biệt hay biểu hiện khác nhau nhưng nhân văn là đồng nhất. Nếu kinh doanh không có tính nhân văn, danh từ “con người” bị xóa bỏ, thay vào đó là một thế hệ loài vô cảm, hời hợt. Nhân phẩm con người đặt lên hàng đầu, từ kiểu kinh doanh đến sản phẩm, từ cách tiếp thị đến bán hàng, từ hậu mãi đến làm mới sản phẩm, mọi thứ đều tôn trọng nhân phẩm con người. Con người không phải là công cụ tiêu thụ, họ không đáng phải bị đối xử như vậy, họ có nhu cầu tiêu thụ chính đáng và muốn được cung cấp sản phẩm chính đáng. Mọi quyết định kinh doanh phải có tính nhân văn, trong đó dân chủ được áp dụng, lời nói được lắng nghe và lợi ích cộng đồng được quan tâm. Đưa ra quyết định phải nghĩ đến kết quả hay hậu quả, nếu chỉ một chiều thì thi hành quyết định sẽ mang tính áp đặt, mà cái gì áp đặt đều không có tính nhân văn. Văn hóa có phân biệt nhưng nhân văn thì không. Bài tập tình huống có nhiều, nhân tài vô số, dự án kinh doanh đầy rẫy nhưng phải lấy nhân văn làm gốc, lấy tâm làm gốc, theo Khổng Tử đó là Nhân, theo Chúa là Bác Ái, theo đức Phật là Từ Bi. Kinh doanh không dựa trên cơ sở của yếu tố nhân văn thì sẽ trở nên phá hoại và sụp đổ. Thà là doanh nhân nhỏ bé nhưng vẫn làm người được còn hơn doanh nhân to lớn nhưng không làm người được. Làm doanh nhân khó lắm nhưng biết cách cũng trở nên dễ, đâu cần phải suy nghĩ cao siêu, cứ kinh doanh có tính nhân văn và từ chối mọi lời mời không có giá trị khác.

Văn hóa Đông phương và Tây phương trong kinh doanh khác biệt nhưng đều học hỏi lẫn nhau. Trong quá khứ Đông phương có thể học hỏi văn hóa Tây phương nhưng thực tế bây giờ cho thấy Tây phương đang học hỏi văn hóa Đông phương. Trong khi Tây phương không thích gò bó cuộc sống gia đình thì Đông phương đề cao giá trị gia đình. Tuy nhiên Tây phương hiện nay lại bắt đầu quay về với giá trị gia đình và muốn học hỏi nhiều hơn từ Đông phương. Nói về văn hóa kinh doanh, người chủ Tây phương không giữ quan hệ ngăn cách với nhân viên trong khi ở Đông phương, người chủ tập trung khá nhiều quyền hành và khả năng gần gũi nhân viên ít hơn. Nói thế, dù đông hay tây thì kinh doanh cũng mang tính văn hóa riêng của miền đất mà doanh nghiệp ra đời. Với xu thế toàn cầu hóa, tính văn hóa trong kinh doanh có thể không bản sắc như trước, văn hóa chan hòa và đồng nhất hơn, nhưng cái gốc vẫn còn, vẫn mang những điều rất riêng của văn hóa bản địa.

Kinh doanh theo văn hóa nào cũng mang tính nhân văn. Mang lại cho kinh doanh tính nhân văn tức là kinh doanh không mang tính chao đảo hay vụng về của tâm trước các áp lực cám dỗ và xô đẩy của xã hội. Nhặt nhạnh tính nhân văn của văn hóa tô điểm cho phương thức kinh doanh là việc làm khôn ngoan, không chỉ giúp doanh nghiệp ăn ở lâu nơi vùng đất mới mà còn vun xới nhiều sắc màu của cuộc sống.

Loan tin ngay
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận