Chiến lược đại dương xanh và 6 nguyên tắc mang lại thành công

Chiến lược đại dương xanh đã không còn quá xa lạ với mỗi doanh nghiệp. Có thể coi đại dương xanh là một chiến lược mạo hiểm, đi ngược với số đông để trở thành người đi đầu khai phá thị trường mới. Vậy chiến lược đại dương xanh là gì? Tại sao nhiều doanh nghiệp lớn như Apple, Canon, NetJets,… luôn ưu tiên áp dụng chiến lược này trong kinh doanh? Cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé.

Chiến lược đại dương xanh là gì?

“Đại dương xanh” chính là tên gọi dùng để chỉ những chiến lược mở rộng, phát triển thị trường hiện đang ít những đối thủ cạnh tranh, ẩn chứa nhiều những khoảng trống thị trường tiềm năng, chưa được ai khai phá. Tại đây, các doanh nghiệp có thể thỏa sức phát triển và tạo dựng luật chơi riêng cho chính mình bởi tính cạnh tranh vô cùng thấp hoặc cơ bản là rất ít. 

Khái niệm chiến lược đại dương xanh ra đời lần đầu tiên vào năm 2004, là những tâm huyết được đúc kết, phát triển bởi 2 nhà kinh tế học nổi tiếng W. Chan Kim và Renée Mauborgne. Chiến lược này đã được hình thành dựa trên nghiên cứu từ 150 doanh nghiệp thuộc 30 lĩnh vực trong vòng hơn 100 năm qua. 

Về cơ bản nguyên lý để xây dựng nên chiến lược đại dương xanh thường mang các đặc điểm sau đây: 

  • Tạo ra một thị trường đầy tiềm năng không có cạnh tranh hoặc sức cạnh tranh thấp, số lượng đối thủ hạn chế.
  • Làm cho cạnh tranh trở nên không cần thiết hoặc không còn là mối đe dọa chứ không trực tiếp đánh bại đối thủ.
  • Tập trung tạo ra các nhu cầu mới và giành lấy các nhu cầu từ đối tượng khách hàng mới, không chú trọng khai thác các nhu cầu phổ biến của phần đông khách hàng hiện có trên thị trường.
  • Chiến lược đại dương xanh hoàn toàn có thể kết hợp chiến lược khác biệt hóa và chiến lược dẫn đầu về chi phí. Thay vì chỉ áp dụng một trong hai chiến lược khác biệt hóa hoặc chiến lược dẫn đầu về chi phí như bình thường thì chiến lược đại dương xanh sẽ tiến hành  kết hợp cả 2 chiến lược này để đẩy mạnh doanh thu, phá vỡ cân bằng giá trị/chi phí.
  • Không đặt toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp vào việc theo đuổi sự khác biệt hoặc đầu tư chi phí thấp.

6 Nguyên tắc của chiến lược đại dương xanh

Khi áp dụng chiến lược đại dương xanh, các doanh nghiệp cần phải lưu ý tuyệt đối tuân thủ 6 nguyên tắc sau đây nếu muốn thành công:

#1 Vẽ lại chính xác đường biên giới thị trường

Khi áp dụng chiến lược đại dương xanh mỗi một doanh nghiệp buộc phải tìm cách thiết lập lại các đường biên giới trên thị trường để tự đưa mình vào vùng đại dương xanh – khu vực thị trường hiện vẫn chưa được nhiều đối thủ tiến hành khai thác.

Có thể thấy việc xác định chính xác vùng đại dương xanh có thể hoạt động, phát triển là không hề dễ dàng như ta tưởng. Trong hoạt động kinh doanh, mỗi doanh nghiệp không thể sử dụng trực giác hoặc sự may mắn mà phải lên chiến lược rõ ràng với các mục tiêu, hoạt động cụ thể: 

  • Vươn lên trở thành top đầu nhóm các doanh nghiệp có cùng lĩnh vực kinh doanh. 
  • Tiến hành phân chia ngành kinh doanh hiện tại thành các nhóm thuộc các phân khúc khác nhau. Dựa vào từng bước đệm nhỏ để vươn lên vị trí dẫn đầu trong các nhóm đó. 
  • Tuyệt đối chỉ nên tập trung vào một nhóm đối tượng mua hàng cụ thể.
  • Xác định chính xác được phạm vi của các sản phẩm, dịch vụ giống nhau.
  • Định hướng theo chức năng của toàn bộ ngành và lĩnh vực.
  • Trong quá trình xây dựng chiến lược nhà quản lý phải tập trung vào những mối đe dọa cạnh tranh trong cùng thời điểm trên thị trường.

#2 Nhìn vào bức tranh tổng thể không nhìn vào các con số

Khi áp dụng chiến lược đại dương xanh, thay vì chỉ tập trung theo dõi các bảng biểu, số liệu rời rạc thì nhà quản lý cần có cái nhìn tổng quan, định hướng rõ ràng hơn về chiến lược thoát khỏi vùng cạnh tranh. Có thể coi đây chính là một trong những nguyên tắc cơ bản giúp chiến lược đại dương xanh có thể thành công. Tuân thủ nguyên tắc này giúp nhà đầu tư giảm thiểu được nhiều rủi ro cũng như tiết kiệm được thời gian thực hiện. 

Để giúp các doanh nghiệp có thể phác họa được bức tranh tổng thể thay vì tập trung vào các con số thì dưới đây chính là các yếu tố cần được nhà quản lý chú ý: 

  • Xác định thật rõ ràng các yếu tố hiện hữu cũng như những yếu tố thực sự có tiềm năng khai thác và phát triển trong tương lai. 
  • Xem xét các chiến lược hiện có của đối thủ hiện tại và các đối thủ tiềm năng. Xác định rõ chiến lược họ sử dụng để dựa vào đó tạo ra sự cạnh tranh.
  • Thể hiện được giá trị riêng biệt của doanh nghiệp mình
  • Tìm hiểu điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức trên thị trường (thông qua SWOT) để doanh nghiệp có định hướng phát triển chính xác và hiệu quả hơn trong tương lai.

Như vậy nguyên tắc trên cũng đã từng bước giúp các doanh nghiệp giải đáp phần nào thắc mắc: “Chiến lược đại dương xanh là gì?”, “Làm thế nào để vận dụng chiến lược này thành công trong thực chiến?”

#3 Vượt ra ngoài nhu cầu đang tồn tại

Vượt ra ngoài những nhu cầu đang tồn tại có thể coi là con đường cá biệt, đối lập hoàn toàn với quy trình truyền thống của các doanh nghiệp. Theo đó, thay vì tập trung cho khách hàng mục tiêu, mỗi một doanh nghiệp dường như sẽ tập trung hướng tới những người chưa mua hàng. Như vậy, thay vì tự trói mình trong các thị trường có sẵn với miếng bánh nhỏ, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự mở rộng thị trường, giảm thiểu tối đa tính cạnh tranh có được miếng bánh lớn của riêng mình tại đại dương xanh. 

Một số đối tượng chưa phải là khách hàng của doanh nghiệp cần được tập trung có thể bao gồm các nhóm như sau:  

  • Nhóm có nhu cầu sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp bạn nhưng hiện tại vẫn đang chờ đợi những sản phẩm có chất lượng tốt hơn để từ bỏ thị trường đang có.
  • Nhóm khách hàng đã từ chối sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp bạn.
  • Nhóm khách hàng hoàn toàn chưa được khai thác, tức họ là những trang giấy trắng, chưa biết cũng như chưa có ý định mua sản phẩm, dịch vụ mà hiện doanh nghiệp bạn cung cấp. 

#4 Đảm bảo chiến lược đi theo đúng theo trình tự

Khi đã mạnh dạn áp dụng chiến lược đại dương xanh, doanh nghiệp buộc phải đi theo một trình tự chuẩn dưới đây để nhanh chóng thành công:

  • Tìm hiểu giá trị của sản phẩm: Doanh nghiệp khi bắt đầu dấn thân vào đại dương xanh cần phải hiểu giá trị thực sự mà sản phẩm mang lại cho khách hàng. Cùng với đó là xác định rõ sự khác biệt của sản phẩm của doanh nghiệp mình so với các thương hiệu khác trên thị trường. Đặc biệt, so với những sản phẩm khác trên thị trường, sản phẩm đã đáp ứng được nhu cầu nào của khách hàng.
  • Xác định mức giá hợp lý: Ngoài ra với mức giá đưa ra thì chất lượng của sản phẩm liệu có tương xứng với mức giá. Mức giá dự kiến liệu sẽ tập trung vào những đối tượng khách hàng nào? Cùng với đó đo lường được khả năng chi trả của khách hàng với sản phẩm?
  • Xác định mức chi phí hợp lý: Mức chi phí đầu tư ban đầu liệu có thực sự giúp doanh nghiệp thu được lợi nhuận hay không? 
  • Dự liệu trước những rủi ro, thách thức: Dự liệu trước những rủi ro, thách thức gặp phải sẽ giúp doanh nghiệp có thể bước đi từng bước vững chắc, mở rộng đại dương một cách an toàn, nhanh chóng, hiệu quả. 

Trước khi dấn thân vào đại dương xanh, doanh nghiệp buộc phải tự mình tìm ra câu trả lời cho tất cả những câu hỏi trên.

#5 Vượt qua trở ngại về mặt tổ chức

Một số trở ngại về mặt tổ chức khi triển khai chiến lược đại dương xanh mà các nhà quản lý thường gặp đó chính là: 

  • Trở ngại về mặt nhận thức: Mỗi doanh nghiệp khi đã lựa chọn chiến lược phát triển táo bạo này cần phải có các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ nhân viên. Phải làm sao cho nhân viên nhìn nhận được sự cần thiết phải thay đổi trong thực tại. Mỗi nhân viên đều phải hiểu được rằng, muốn có sự tăng trưởng ổn định, dài hạn trong tương lai thì buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi sang vùng đại dương xanh. 
  • Hạn chế về nguồn lực: Có thể nói đây thực sự là một trở ngại lớn mà các doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải. Khi tiến hành thay đổi doanh nghiệp luôn cần nguồn lực lớn hơn rất nhiều mức hiện tại. Vượt qua khó khăn này doanh nghiệp mới có thể tiếp tục từng bước phát triển.
  • Thúc đẩy nhân viên chủ chốt tăng tốc: Làm thế nào để thúc đẩy nhân viên chủ chốt tăng tốc cũng chính là một trong những vấn đề nan giải khiến các nhà quản lý phải đau đầu. Việc thúc đẩy nhân viên tăng tốc đòi hỏi một quá trình nhưng yêu cầu tiễn thì lại không hề cho phép nhiều thời gian lãng phí đến vậy. 
  • Điều hòa các mối quan hệ giữa các nhóm quyền lực trong doanh nghiệp: Khi tiến hành chuyển đổi sang chiến đại dương xanh, chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của một số thành phần chủ chốt trong doanh nghiệp. Bởi vậy để có thể thực sự theo đuổi chiến lược này doanh nghiệp cần phải nỗ lực điều hoà các mối quan hệ giữa các nhóm quyền lực, từng bước làm chủ đại dương mênh mông, hấp dẫn. 

Khó khăn, trở ngại có thể coi đó chính là vấn đề chắc chắn các doanh nghiệp phải đối mặt. Nhưng vượt qua được cơn bão chứng tỏ bạn đang từng bước tìm thấy chỗ đững của mình trên đại dương, cánh cửa thành công khi đó sẽ gần hơn một bước. 

#6 Thực thi hóa chiến lược

Thực thi hóa chiến lược hợp lý có thể coi chính là kết quả bước đầu của chiến lược đại dương xanh trong doanh nghiệp. Khi thực hiện nguyên tắc này, doanh nghiệp phải chú trọng 3 yếu tố quan trọng sau:

  • Tính liên quan (engagement): Chiến lược đại dương xanh phải được thực thi bởi tất cả những nhân viên trong doanh nghiệp. Rõ ràng tất cả các nhân viên đầu cần phải có quyết tâm cao độ, tiến hành phối hợp chặt chẽ để từng bước đưa ra những quyết định mang tính chiến lược; 
  • Sự giải thích (explanation): Mỗi một quyết định được đưa ra phải được lý giải rõ ràng, thuyết phục mới được thông qua.
  • Sự kỳ vọng (expectation): Việc xác định chính xác mức độ kỳ vọng của nhà quản lý đối với đội ngũ nhân viên của mình là một trong những việc làm vô cùng cần thiết nếu doanh nghiệp muốn nhanh chóng tiến tới thành công.

Một số doanh nghiệp thành công với chiến lược đại dương xanh

Trên đây là những giải đáp hoàn hảo cho thắc mắc: “Chiến lược đại dương xanh là gì?” và “Cách thức áp dụng của chúng vào thực tế sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp ra sao, gồm bước nào?”. Dưới đây chính là một số ví dụ thành công điển hình của các doanh nghiệp sử dụng chiến lược này mà WEONE muốn giới thiệu trong bài viết:

iTune (Apple)

Khi mà công nghệ hiện đang phát triển, mạng internet dường như cho phép bất cứ ai cũng có thể tải nhạc số miễn phí, bất hợp pháp, bất chấp bản quyền. Cùng với đó xu hướng nhạc số cũng ngày càng phát triển khi máy nghe nhạc MP3 và điện thoại di động trở nên phổ biến. Apple đã nhanh chóng tận dụng thực tế này và quyết định cho ra một lộ trình rõ ràng để thực hiện chiến lược đại dương xanh với iTunes vào năm 2003.

Theo thỏa thuận giữa Apple với 5 công ty âm nhạc lớn, BMG, EMI Group, Sony, Universal Music Group và Warner Brothers Records, iTunes cung cấp danh sách các bài hát có thể tải xuống hợp pháp, dễ sử dụng và linh hoạt. ITunes sẽ cho phép mọi người mua các bài hát riêng lẻ và chiến lược định giá siêu hợp lý. Có thể thấy iTunes đã phá vỡ một trong những yếu tố gây khó chịu cho khách hàng đó là đáp ứng được nhu cầu mua một đến hai bài hát thay vì phải mua toàn bộ CD. 

Có thể thấy iTunes thực sự đã cung cấp một bước nhảy vọt về giá trị về bản quyền, bảo vệ quyền lợi cho các nhà sản xuất với chất lượng âm thanh tốt cũng như các chức năng điều hướng, tìm kiếm và chọn trực quan.

Giá trị chưa từng có mà iTunes cung cấp đã thu hút lượng lớn khách hàng trên toàn thế giới đổ xô đến iTunes và các công ty thu âm cũng như nghệ sĩ đều được hưởng lợi. Trong iTunes, họ nhận được 70% giá mua các bài hát được tải xuống dạng kỹ thuật số, cuối cùng được hưởng lợi về mặt tài chính từ cơn sốt tải bài hát số.

Ngày nay iTunes cung cấp hơn 37 triệu bài hát cũng như phim ảnh, chương trình TV, sách và podcast. Hiện ứng dụng này đã bán được hơn 25 tỷ bài hát, với người dùng tải xuống trung bình 15,000 bài hát mỗi phút. iTunes được ước tính đang chiếm hơn 60% thị trường tải nhạc số toàn cầu.

Mặc dù Apple đã thống trị đại dương xanh này trong hơn một thập kỷ, nhưng khi nhiều những cửa hàng trực tuyến khác tham gia vào thị trường này, thách thức đối với Apple sẽ là hướng đến thị trường đại chúng đang phát triển và tránh để không rơi vào các so sánh cạnh tranh hay tiếp thị thị trường ngách công nghệ cao.

Canon

Canon đã tạo ra ngành công nghiệp máy photocopy để bàn cá nhân, đây chính là một ví dụ kinh điển về chiến lược đại dương xanh. Các nhà sản xuất máy copy truyền thống thường nhắm đến các nhà quản lý bộ phận mua thiết bị văn phòng, những người muốn máy có kích thước lớn, bền, nhanh và cần bảo trì tối thiểu.

Bất chấp logic hiện có của ngành này, công ty Canon của Nhật Bản đã tạo ra một đại dương xanh của không gian thị trường mới bằng cách điều hướng khách hàng mục tiêu của ngành máy photocopy từ bộ phận mua trong doanh nghiệp sang mua cho cá nhân người dùng. Với máy photocopy và máy in để bàn nhỏ, dễ sử dụng, Canon thực sự đã tạo ra một không gian thị trường mới bằng cách tập trung vào nhu cầu của những thư ký, của những người thường xuyên sử dụng máy photocopy luôn mong muốn. Từ đó Canon đã tự tạo một đại dương xanh vô cùng giá trị, thu về khoản lợi nhuận khổng lồ.  

NetJets

NetJets thực sự đã thành công trong quá trình tự tạo ra một đại dương xanh của riêng mình. Ngày nay, NetJets nổi tiếng là một doanh nghiệp trị giá hàng tỷ USD với đội máy bay phản lực tư nhân lớn nhất thế giới với hơn 700 máy bay và đã từng bay qua 170 quốc gia. Trước đây, NetJets nhận thấy rằng khách du lịch kinh doanh chính là nhóm khách hàng béo bở nhất trong ngành hàng không. Họ thường có 2 lựa chọn chính: bay hạng thương gia hoặc hạng nhất trên một hãng hàng không thương mại hoặc công ty có thể mua máy bay riêng để phục vụ nhu cầu đi lại của công ty.

Để giúp họ không cần phải đầu tư chi phí cố định trả trước cao cho một máy bay phản lực trị giá hàng triệu USD. NetJets tạo điều kiện cho các công ty chỉ mua số lượng vé máy bay cho đủ chuyến đi cần thiết của công ty mỗi năm. Từ đó vừa làm giảm chi phí biến đổi và giảm khả năng thời gian di chuyển hàng không mà vẫn có thể có quyền sở hữu máy bay phản lực của công ty hiện sẵn có.

Để tạo ra một đại dương xanh, NetJets đã tiến hành xây dựng dựa trên những giá trị mà công ty có thể tạo dựng cho khách hàng. Ở đây khách hàng không mua máy bay phản lực hoàn toàn. Họ chỉ mua một phần nhỏ của nó.

Kết quả là người mua có thể được tận hưởng mọi tiện nghi trong một chiếc phi cơ riêng nhưng lại chỉ phải bỏ ra mức giá tương đương với việc sử dụng dịch vụ của một hãng hàng không thương mại. NetJets cung cấp các máy bay nhỏ hơn, sử dụng các sân bay khu vực nhỏ hơn và nhân viên số lượng hạn chế nên luôn giữ chi phí ở mức tối thiểu. Với số lượng sân bay tăng theo cấp số nhân, không có chuyến bay nào phải quá cảnh. Những chuyến đi yêu cầu ở lại qua đêm có thể được hoàn thành nhanh chóng trong một ngày.

Máy bay phản lực do hãng này cung cấp luôn có sẵn chỉ với bốn giờ thông báo trước. Nếu không có máy bay phản lực, NetJets sẽ thuê một chiếc cho bạn. Đặc biệt, NetJets tuyệt đối bảo mật thông tin chuyến bay và cung cấp cho khách hàng dịch vụ tùy chỉnh theo nhu cầu.

Bằng cách cung cấp tốt nhất cho di chuyển thương mại và máy bay phản lực tư nhân, NetJets đã mở ra một đại dương xanh trị giá hàng tỷ USD vô cùng hấp dẫn.

Dễ dàng nhận thấy áp dụng chiến lược đại dương xanh thực sự sẽ giúp doanh nghiệp tìm kiếm được nhiều cơ hội tăng trưởng. Trong tương lai gần, chắc chắn rằng chiến lược đại dương xanh sẽ trở thành một xu hướng thiết yếu trong nền kinh tế thị trường đầy những biến động nhưng cũng ẩn chứa tiềm tàng nhiều cơ hội phát triển. Mong rằng mỗi doanh nghiệp có thể phát huy tối đa được lợi thế chiến lược phát này, không ngừng khẳng định được chỗ đứng của mình trên thị trường.

Loan tin ngay
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận