Truyền thông chậm có khiến độc giả hiền hoà hơn?

Đưa tin chậm trong thời đại tốc độ có thể khiến các kênh truyền thông và độc giả đại chúng hiểu nhau hơn.

Tốc độ hi sinh sự điềm tĩnh

Khi một vụ việc “hot” xảy ra, tất cả mọi người đều có quyền nêu ý kiến. Dõi theo những sự kiện gần đây, ta có thể thấy rằng cộng đồng mạng thực hiện triệt để quyền nói của mình, nhưng nhiều khi quên đi rằng họ còn phải nghe. Hệ quả là nhiều cuộc tranh luận chỉ là hai bên tự hét vào trong hang cho mình nghe, chứ không đưa ra được những kiến giải hiệu quả trên tinh thần tôn trọng.

Một số ví dụ có thể kể tới là (1) những đàm thoại về hot girl trong chương trình World Cup, (2) những tranh luận về luận án tiến sĩ về áo ngực, (3) những ý kiến về Nữ hoàng Anh như một biểu tượng thực dân, hay là (4) tranh cãi về các cuộc thi hoa hậu. Những cuộc tranh luận này đều rất nóng bỏng với nhiều tiếng nói từ cả phe ủng hộ lẫn phản đối.

Điểm chung lớn nhất của tranh luận mạng, thật đáng tiếc, là không ai chịu nghe ai cả. Cả hai phe nói rất nhiều và rất to, nhưng lại thiếu đi sự tĩnh lặng để nghe đối phương, thiếu những khoảng lùi để hiểu đối phương.

Sự đối thoại gần như không hiện diện, và nếu có, thì đầy rẫy công kích xen giữa những phản biện và góp ý ít có tính xây dựng. Thậm chí, có nhiều phê bình mang tính huỷ diệt (destructive criticism).

Trong những cuộc hội thoại này, các kênh truyền thông đưa tin rất nhanh nhẹn. Nhưng dường như kiểu làm tin nhanh đã triệt đường đối thoại, bởi nó vô tình chia rẽ dư luận thành các đám đông đầy thiên kiến. Khối lượng thông tin khổng lồ chỉ cho phép người ta tiêu thụ một cách bị động. Chúng không tạo điều kiện cho dư luận lắng nghe nhau.

Vị thế bị động của khán giả khi phải đón nhận một lượng thông tin khổng lồ lại khiến cho họ trở nên thờ ơ. Tin tức liên tục tới, và chúng không còn quan trọng nữa khi chỉ một thời gian ngắn thôi, không ai còn có nhu cầu nói thêm về chúng nữa.

Sự thờ ơ trên là hệ quả của vấn đề tiếp theo: chúng ta chóng nhận thông tin và cũng chóng quên. Mọi thứ trôi tuột qua dù có để lại ấn tượng hay không, đơn giản bởi bộ nhớ của ta còn những thứ khác quan trọng hơn phải ghi nhận. Trong điều kiện này, việc hội thoại không có cả thời gian và không gian để được thực hiện.

Truyền thông chậm

Giải pháp cho việc này, theo tôi, không quá phức tạp: Hãy đi chậm lại! Hãy sản xuất chậm lại và đọc chậm lại! Thay vì chỉ chăm chăm đưa tin và nhận tin thật nhanh, ta tập trung vào việc giảm tốc độ thông tin để tăng thời gian và không gian ngẫm nghĩ.

Như vậy, đơn vị truyền thông sẽ có nhiều thời gian hơn để quan sát sự kiện, chọn lọc thông tin, rồi biên tập, hiệu chỉnh thật cẩn thận, rồi đăng tin kèm với những sản phẩm thiết kế chỉn chu và bắt mắt. Khán thính giả và độc giả cũng có nhiều thời gian hơn để điềm tĩnh, tự nghĩ, tự đánh giá sự kiện đó, trước khi tiếp nhận bất cứ sự đánh giá nào của truyền thông và của những người khác qua truyền thông.

Ý tưởng về một nền truyền thông chậm được đề xuất bởi nhà nghiên cứu truyền thông Jennifer Rauch với cuốn sách Slow Media: Why Slow Means Satisfying, Sustainable & Smart. Bà lấy cảm hứng từ trào lưu slow food, trong đó nhấn mạnh vào việc chuẩn bị bữa ăn và nguyên liệu chế biến cẩn thận.

Theo Jennifer Rauch, yếu tố “chậm” của truyền thông chậm không nhắm tới việc phê phán tiêu thụ thông tin nhanh, mà về việc lựa chọn thông tin thật cẩn thận, sau đó biên tập chúng với sự tập trung cao. Đầu ra của cách làm này sẽ là những sản phẩm được đầu tư và có chất lượng cao.

Mục tiêu của truyền thông chậm không phải là giật tít to, đưa tin lớn, làm tin nhanh, mà tập trung vào việc tương tác với người dùng và thúc đẩy sự đối thoại giữa các kênh truyền thông với khán thính giả và độc giả, cũng như giữa khán giả với nhau.

Điều này vừa đảm bảo một độ lùi phù hợp để đại chúng không rơi vào cơn cuồng loạn của thông tin và cảm xúc, vừa huấn luyện đại chúng tiếp nhận và đánh giá thông tin trong sự tập trung cao độ.

Không dừng lại ở đó, theo Jennifer Rauch, thực hành truyền thông chậm sẽ mang lại nhiều lợi ích khác. Bà đã liệt kê ra 14 ưu điểm của loại hình này trong văn bản Tuyên ngôn truyền thông chậm (Slow Media Manifesto), trong đó có thể kể tới một số điểm nổi bật như:

Thứ nhất: Xây dựng nền truyền thông bền vững, loại bỏ việc lợi nhuận hóa tới mức tối đa thông tin cá nhân của người dùng.

Thứ hai: Chú trọng vào người dùng. Truyền thông không nhất thiết phải chú trọng vào tin tức hay diễn biến mới, mà tập trung vào việc thiết kế một giao diện thân thiện với người dùng theo thói quen tiêu thụ sản phẩm truyền thông của họ.

Thứ ba: Đề cao chất lượng sản phẩm: Truyền thông chậm đo lường thành quả thông qua những sản phẩm hữu hình, ví dụ như một chiếc poster đẹp mắt và gây hứng thú cho người đọc hay một giao diện chỉn chu, thay vì làm ra những mẩu tin ngắn ngủi, chóng nhớ chóng quên.

Thứ tư: Thúc đẩy sự đối thoại và có tính đàm thoại. Trong truyền thông chậm, việc nghe cũng tương đương việc nói. Do đó, “chậm” ở đây có nghĩa là bỏ thời gian và trí lực để nhìn vấn đề, đặt câu hỏi, và hiểu từ những góc độ khác.

Giả dụ, trong vụ việc Nờ Ô Nô hành xử không đúng chuẩn mực với bà lão nghèo, khi hầu hết các kênh truyền thông đã dành năng lượng để lên án, thì số lượng nhỏ các kênh khác có thể nghĩ đến việc đề xuất giải pháp.

Từ đó, độc giả vừa có thể hiểu thế nào là một thái độ không tốt khi đối diện với nhóm yếu thế và từ chối tiêu thụ các nội dung này, vừa hiểu đâu là thái độ mình cần có khi sẻ chia với người nghèo.

Loan tin ngay
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận